Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Viêm gan b mãn tính ở người Việt tại Úc chiếm tỷ lệ cao

Viêm gan b mãn tính ở người Việt tại Úc chiếm tỷ lệ cao

Tuy chỉ chiếm 2% dân số nhưng số người mắc bệnh viêm gan B mãn tính trong cộng đồng người Trung Quốc và người Việt Nam tại Úc chiếm tới 33% tổng số người dân Úc mắc phải bệnh này.


Hepatitis B
Bà Chris Enright nói tại Úc việc ngừa bệnh viêm gan B “vô cùng đơn giản”. (Credit: ABC)
Phát biểu về tình trạng viêm gan B của người Úc nói chung và của người Trung Quốc và người Việt tại Úc nói riêng, bà Chris Enright, viên chức cao cấp trong lĩnh vực y tế ở tiểu bang Victoria, cho hay hiện nay 170.000 người Úc (trong tổng số 22.700.000 người) mắc bệnh viêm gan B mãn tính.


Bà Enright là Giám đốc Chương trình Y tế Sơ cấp tại Hội đồng Ung thư Victoria, đặc trách chương trình phòng ngừa bệnh ung thư gan bao gồm bệnh viêm gan.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Ban Tiếng Việt, Radio Australia, bà Enright cho biết một trong những điều nguy hiểm nhất của bệnh ung thư gan là nhiều người không biết mình đã mắc phải bệnh này vì nhiều khi nó không khiến họ bị đau đớn.

Bà nói hơn một phần ba người hiện bị viêm gan B vẫn chưa được chẩn đoán và vẫn không biết rằng họ đã bị nhiễm. Phần lớn người bị nhiễm siêu vi đã bị nhiễm từ khi mới sinh nên việc tiêm ngừa không có hiệu quả.

Bà cho hay trên toàn cầu, có tới 80% ung thư gan là do bệnh viêm gan B gây ra. Theo nhận định của Hội đồng Ung thư, số trường hợp tử vong vì ung thư gan liên quan đến viêm gan B sẽ tăng gấp ba lần (từ số liệu 2008) trong vòng 5 năm tới nếu không có những nỗ lực đáng kể về phòng chống ung thư.

Trong năm 2008, theo ước tính đã có 450 người Úc qua đời vì ung thư liên quan đến viêm gan B. Theo dự đoán, vào trước năm 2017, con số này sẽ tăng lên 1550 người.

Bà phát biểu: “Tuy viêm gan B là bệnh nan y, hiện chưa có thuốc nào chữa khỏi, nhưng đây cũng là bệnh có thể kiểm soát và rất dễ phòng ngừa”.

Vẫn theo bà Enright, các trường hợp ung thư gan sẽ giảm đi rất nhiều nếu bệnh nhân được chẩn đoán sớm và sau đó được theo dõi và điều trị thích hợp.

Để phòng ngừa và chữa viêm gan B, điều cần thiết nhất là mọi người, từ già tới trẻ, đều phải được thử nghiệm để biết mình có bị bệnh này hay không.

Tiến trình kế tiếp là chủng ngừa. Việc chủng ngừa được thực hiện 3 lần trong thời gian 6 tháng. Sau đó, vẫn theo bà Enright, “trong suốt cuộc đời không cần chủng ngừa trở lại. Việc chủng ngừa rất an toàn, không tạo ra bất cứ nguy cơ nào cho người được chủng”.

Bà Enright nói, tại Úc, về vấn đề ung thư gan và viêm gan B, “mọi người chỉ cần làm hai việc vô cùng đơn giản: ra gặp bác sĩ gia đình để biết xem mình có nhiễm bệnh này hay chưa và qua đó xin thử máu và chủng ngừa. Nếu biết đã bị rồi thì thảo luận với bác sĩ về vấn đề điều trị”.

Bà cho hay trong số di dân 193.288 người đến từ Việt Nam hiện sống tại Úc, người ta ước lượng khoảng hơn 21.000 người mắc bệnh viêm gan B mãn tính. Như vậy số người Việt mắc bệnh này chiếm tỷ lệ 11% trong tổng số người bị nhiễm bệnh viêm gan mãn tính ở Úc.

Trong khi đó trong số 313.572 di dân đến từ Trung Quốc khoảng 35.000 người mắc phải bệnh này.

Theo bà Enright người gốc Trung Quốc là sắc dân có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B mãn tính cao nhất nước Úc, kế đó là người gốc Việt, còn người Thổ dân Úc đứng vào hàng thứ ba.

Giải thích lý do cho tình trạng nhiễm bệnh viêm gan B mãn tính quá cao trong cộng đồng người gốc Trung Quốc và Việt Nam, bà Enright cho biết lý do là vì “ở hai nước này không có chương trình chủng ngừa và chữa bệnh viêm gan B hữu hiệu và vì thế trước khi di dân vào Úc họ đã nhiễm phải bệnh này từ quê nhà của họ rồi”.

Sự khác biệt giữa nam và nữ trong việc mắc bệnh ung thư gan

Bà Enright cho biết số người nam sinh tại Việt Nam, Ma Cao, Hàn Quốc. Hồng Kông, Indonesia và Trung Quốc có nguy cơ bị ung thư gan nhiều gấp từ 6 tới 12 lần người không phải là Thổ dân và người sinh ở Úc.

Trong khi đó người nữ sinh ở Việt Nam và Trung Quốc có nguy cơ bị ung thư gan nhiều gấp từ 6 tới 12 lần người không phải là Thổ dân và người sinh ở Úc.

25% trong số người này có nguy cơ bị bệnh gan nghiêm trọng hoặc bị ung thư gan.

Nhận xét về nguồn gốc phát xuất của người Úc trong vấn đề ung thư gan, bà Enright nói người Úc gốc Châu Á thuộc nam giới có độ tuổi trên 40 cần được theo dõi về vấn đề ung thư gan. Trong khi đó độ tuổi của người Úc gốc Châu Á thuộc nữ giới là trên 50 tuổi.

Xem thêm : viêm gan siêu vi b

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét